3 tiêu chí đánh giá thiết kế logo tốt

Trong nhiều thập kỷ, thiết kế logo thường bị nhìn nhận và đánh giá vai trò chưa thật sự phù hợp. Điều này dẫn đến nhiều tiêu chí đánh giá một thiết kế logo có phần phiến diện, thiếu khách quan và không tuân thủ các quy tắc xây dựng hình ảnh thương hiệu cơ bản.

Thông qua bài viết lần này, Vũ muốn hệ thống lại và chia sẻ đến các bạn 3 tiêu chí đánh giá thiết kế logo tốt, ứng dụng thành công để mang lại hiệu quả nhận diện thương hiệu tích cực. Bài viết với những nội dung chính như sau:

  • Vai trò của thiết kế logo khi xây dựng hình ảnh thương hiệu
  • 3 tiêu chí đánh giá thiết kế logo tốt
  • Nhận biết thiết kế logo hiệu quả trên thị trường như thế nào?

Ngay bây giờ sẽ là nội dung chi tiết, hy vọng các bạn đều sẽ theo dõi và thấu cảm một cách trọn vẹn nhất, để cùng Vũ đưa ra những ý kiến hay quan điểm cá nhân về chủ đề lần này.

Vai trò, tầm quan trọng của tiêu chí đánh giá thiết kế logo

Thời gian gần đây, câu chuyện tạo ra một thiết kế logo đang bị tách bạch khỏi câu chuyện xây dựng, vận hành thương hiệu đó trên phương diện kinh doanh thuần tuý. 

Nói một cách cụ thể, nhiều đội ngũ thương hiệu đang cố tạo ra một thiết kế logo đẹp mắt, thu hút và thật sự khác biệt trên thị trường. Nhưng đồng thời khiến thiết kế xa rời các giá trị và thông điệp tốt đẹp mà thương hiệu muốn truyền đạt.

Trong giai đoạn những năm 80 trở về trước, thật khó hình dung mọi chuyện sẽ đi đến đâu nếu hình ảnh mỹ nhân ngư được chọn làm thiết kế logo của một thương hiệu thể thao – chứ không trở thành biểu tượng huyền thoại của Starbucks. Hoặc hình ảnh bật nhảy thiên tài của Michael Jordan được chọn làm thiết kế logo một thương hiệu cà phê – thay vì trở thành biểu tượng đáng nhớ của Nike Air Jordan.

Khác với định kiến cho rằng những đội ngũ thương hiệu ngày xưa có góc nhìn, định hướng cũ kỹ hoặc không thực dụng trong quá trình thiết kế logo thương hiệu. Ngược lại, họ mới là những người mạnh mẽ theo đuổi tính hiệu quả trong suốt quá trình thiết kế nhận diện. 

Hãy thử đặt mình vào vị trí nhà lãnh đạo doanh nghiệp vào những năm đầu thập niên 80. Khi mạng internet chỉ vừa mới bùng nổ tại số ít quốc gia phương Tây, còn những nhà thiết kế thương hiệu vẫn đang làm việc trên bản vẽ thủ công trong phần lớn thời gian – vì đến cuối thập niên 90 hành trình chuyển đổi thiết kế đồ hoạ sang “kỹ thuật số” mới hoàn thành.

Thật khó chấp nhận thiết kế logo với chỉ 2 vòng tròn màu cam và đỏ lồng vào nhau, nếu bạn là một thành viên trong nhóm lãnh đạo Mastercard. Tương tự như vậy nếu bạn là nhà lãnh đạo của Nike, Apple hay adidas. “Tại sao không thay dấu ngoặc đó bằng hình ảnh một vận động viên đang chạy bộ, trái táo thì có liên quan gì đến sản phẩm máy tính chứ?” Đó là những câu hỏi sẽ xuất hiện trong đầu bạn ngay lập tức.

Có thể khẳng định nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở giai đoạn đó là những người dũng cảm, hoặc nói rằng họ có tư duy thương hiệu đi trước thời đại cũng không quá chút nào.

Tiêu chí đánh giá thiết kế logo của những nhà sáng lập, giám đốc điều hành cách đây vài thập kỷ vẫn còn phù hợp trong thời kỳ này. Ấn tượng, không trùng lặp và hiệu quả khi đưa vào sử dụng. Tiêu chí đánh giá thiết kế logo càng tối giản và thực dụng, mức độ hài lòng của nhóm sáng lập và lãnh đạo doanh nghiệp càng lớn, đội ngũ thiết kế thương hiệu cũng có thể tự hào về tác phẩm do chính tay mình làm ra.

Khác với phần lớn thiết kế logo có ý tưởng đơn giản đến mức nhạt nhẽo, khi chỉ sử dụng đúng tên thương hiệu của mình hoặc hình ảnh liên quan đến sản phẩm đang kinh doanh. 

Những tên tuổi lớn trong thế giới thương hiệu đã chứng minh rằng, bằng các tiêu chí đánh giá thiết kế logo đơn giản nhất, họ vẫn có thể nâng tầm hình ảnh thương hiệu dù không cần thêm thông tin chữ viết hay biểu tượng nào quá rõ ràng.

3 tiêu chí đánh giá thiết kế logo tốt

Trong suy nghĩ của không ít người, một thiết kế logo thương hiệu đơn giản có nhiều khả năng bị trùng lặp với thiết kế của thương hiệu khác. Thậm chí trong tương lai có thể bị một thương hiệu mới nổi sao chép và đánh cắp ý tưởng thiết kế. Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt rõ giữa thiết kế đơn giản với phong cách tối giản.

Có một câu nói của Don Draper – nhân vật phim nổi tiếng do diễn viên Jon Hamm thể hiện mà Vũ tâm đắc như sau: “Make it simple, but significant – Hãy làm mọi thứ đơn giản, nhưng phải thật nổi bật.” Cũng như chuyên nghiệp hay hiệu quả, nổi bật là một phạm trù phổ quát cần có sự phân tích bài bản, chi tiết để hiểu đúng và áp dụng nó phù hơp.

Như thế nào là một thiết kế logo tốt và nổi bật? Câu hỏi này sẽ được trả lời bởi 3 tiêu chí đánh giá thiết kế logo tốt bên dưới.