Chủ nghĩa thân hữu làm suy yếu thương hiệu ra sao?

Chủ nghĩa thân hữu không chỉ tác động tiêu cực đến các mối quan hệ xã hội mà còn làm suy yếu một thương hiệu theo nhiều cách khác nhau.

Hai khái niệm thường bị nhầm lẫn, nhập nhằng với nhau hiện nay là công ty và thương hiệu. Chúng không có cách đọc giống nhau, không có cách viết giống nhau nhưng thường bị nhầm lẫn với nhau vì có một vài yếu tố tương đồng (tất nhiên cùng với đó là rất nhiều yếu tố khác biệt).

Công ty là khái niệm mang nhiều tính chất pháp nhân, có thể định hình cụ thể và rõ ràng thông qua việc đăng ký thành lập, lên danh mục hoạt động, tuyển dụng nhân viên hay tổ chức và quản trị bộ máy nhân sự. Công ty buộc phải có tài sản hữu hình, độc lập và có giá trị – vì công ty phải tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đối với các giao dịch, quyền và nghĩa vụ mà nó xác lập.

Ngược lại, thương hiệu là khái niệm phụ thuộc nhiều vào nhận thức của khách hàng. Cũng như Vũ nhiều lần chia sẻ và định nghĩa, thương hiệu là nhận thức tích cực từ khách hàng sau thời gian đủ lâu được tiếp xúc, sở hữu và sử dụng sản phẩm do đội ngũ thương hiệu cung cấp.

Thương hiệu không bắt buộc phải sở hữu tài sản, tài sản hữu hình lại càng không. Nhưng nếu đội ngũ nhân sự và ban lãnh đạo xây dựng, phát triển thành công một hay nhiều thương hiệu mạnh thì bản thân thương hiệu vẫn có “tài sản” của riêng mình. Đó là tài sản vô hình nằm ở các tính chất nổi bật, giá trị cốt lõi, văn hoá đội ngũ thương hiệu hay thậm chí là niềm tin lớn lao mà khách hàng dành cho.

Trong hầu hết các trường hợp, thương hiệu không sở hữu độc lập một tài sản hữu hình và có giá trị, nên nhiều người có thiên kiến cho rằng các hoạt động làm ảnh hưởng đến tài sản hay cơ cấu của một tổ chức, một đội ngũ thương hiệu về cơ bản không thể ảnh hưởng đến thương hiệu đó. Bao gồm cả suy nghĩ và hoạt động dựa trên chủ nghĩa thân hữu.

Thông qua bài viết lần này,  muốn cùng với các bạn làm rõ khái niệm chủ nghĩa thân hữu, cách nó tác động đến mô hình kinh doanh và vì sao chủ nghĩa thân hữu làm suy yếu, hạn chế năng lực phát triển của một thương hiệu. Bài viết có các nội dung chính như sau:

  • Khái niệm chủ nghĩa thân hữu
  • Mối quan hệ giữa kinh doanh với chủ nghĩa thân hữu
  • Vì sao chủ nghĩa thân hữu làm suy yếu một thương hiệu?

Ngay bây giờ sẽ là nội dung chi tiết, hy vọng các bạn đều sẽ theo dõi và thấu cảm một cách trọn vẹn nhất, để cùng Vũ đưa ra những ý kiến hay quan điểm cá nhân về chủ đề lần này.

Chủ nghĩa thân hữu là gì?

Chủ nghĩa thân hữu được định nghĩa là các hành động thiên vị, thiên lệch trong quá trình bổ nhiệm, chỉ định và giao phó công việc ở nhiều lĩnh vực đời sống – đặc biệt là trong xây dựng và phát triển thương hiệu, doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Chủ nghĩa thân hữu có thể nhìn thấy ở bất cứ đâu, nhưng chủ yếu vẫn thường xuất hiện trong môi trường doanh nghiệp – dù là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân.

Chủ nghĩa thân hữu có khả năng và cơ hội để tồn tại là nhờ sự đan xen, chồng chéo hoặc lệ thuộc vào nhau của các mối quan hệ ở trong xã hội. Lưu ý rằng sự phân chia cấp bậc trong xã hội, tổ chức và doanh nghiệp có liên quan mật thiết đến chủ nghĩa thân hữu, nhưng nó nên được nhìn nhận là kết quả thay vì nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại.

Vì vậy chúng ta thường nhìn thấy chủ nghĩa thân hữu xuất hiện trong môi trường doanh nghiệp châu Á, vì rõ ràng là người Á Đông có truyền thống ưu tiên, xem trọng và lệ thuộc vào các mối quan hệ xã hội nhiều hơn người phương Tây. Đặc biệt là mối quan hệ song phương khi một bên là những người cầm quyền, một bên là những người có mưu cầu và mục đích thụ hưởng thiếu minh bạch.

Trong đó người cầm quyền được hiểu là người đang giữ các chức vụ, vai trò quan trọng ở một tổ chức nơi người thụ hưởng nhìn thấy được giá trị có thể khai thác, tận dụng để thụ hưởng lợi ích.

Người cầm quyền có chức năng hỗ trợ, thông báo hoặc gửi đến người thụ hưởng những quyền lợi thiên lệch mà theo lẽ thường, cần được quyết định một cách công bằng và không vụ lợi giữa các cá nhân, tập thể có mưu cầu thụ hưởng. Ở chiều ngược lại, các cá nhân và tập thể khi hoàn thành mục đích thụ hưởng phải có hành động đền đáp người cầm quyền, mà theo ngôn ngữ dân gian hay gọi là “lại quả.”

Ông Nguyễn Sĩ Dũng – Tiến sĩ Giáo Dục và từng giữ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội từng mô tả như sau: “Về bản chất lại quả là khi các bác giúp em moi được 10 phần tiền của người khác, em gửi biếu lại các bác 2 phần. Chứ không có chuyện các bác giúp em moi được 10 phần tiền của chính các bác, rồi em gửi biếu lại các bác 2 phần.”

Nhận định này đồng thời làm rõ bản chất của chủ nghĩa thân hữu. Nhìn khái quát, chủ nghĩa thân hữu có vẻ rất nhân văn khi nó đề cao các giá trị bằng hữu, gia đình và tình thân trong đời sống thường ngày. Nhưng khi đi vào phân tích, sẽ nhanh chóng nhận thấy mục tiêu vụ lợi của tất cả các bên tham gia – người thụ hưởng và cả người cầm quyền đều có mục đích trục lợi cá nhân, phớt lờ các giá trị hay tiêu chuẩn xã hội thông thường.

Chủ nghĩa thân hữu về lâu dài sẽ bóp méo giá trị của các mối quan hệ trong xã hội, làm lũng đoạn khả năng tạo ra nguyên khí quốc gia khi chất lượng hàng hoá và chất lượng nhân sự đều suy giảm – nguyên nhân do tính công bằng và minh bạch của thị trường cạnh tranh không còn nữa.